Kể từ khi công bố vào tháng 2, chương trình thẻ vàng (Gold Card) trị giá 5 triệu USD của Tổng thống Donald Trump đã nhận được nhiều sự quan tâm lớn từ những người giàu có ở nước ngoài đang tìm kiếm con đường dễ dàng để có quốc tịch Mỹ. Ông Trump từng khoe với báo chí một mẫu thẻ màu vàng vào tháng 4, nói rằng “Tấm thẻ Trump” sẽ có mặt chỉ trong “chưa đầy hai tuần”. Đến tháng 6, Nhà Trắng còn mở một website cho những ai quan tâm đăng ký vào danh sách chờ. Nhưng đến nay, vẫn chưa có bất kỳ kế hoạch chính thức nào được công bố.

Thẻ Vàng (Gold Card) của ông Trump

Thẻ Vàng (Gold Card) của ông Trump

Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick – người đang phụ trách triển khai chương trình cho biết “thẻ vàng” sẽ thay thế cho diện visa đầu tư hiện tại là EB-5. Tuy nhiên, các luật sư di trú lưu ý rằng khung pháp lý hiện tại của Mỹ không cho phép ưu tiên người giàu hơn những người đã xếp hàng chờ từ trước.

Theo ông Doug Rand – cố vấn cấp cao của cựu Giám đốc Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) dưới chính quyền Biden, tiêu chí cấp visa của Mỹ đã không thay đổi trong suốt 35 năm qua kể từ đạo luật năm 1990 – nền tảng cho hệ thống thẻ xanh và visa tạm thời hiện nay. Ông nhấn mạnh:

“Không có cơ sở pháp lý nào để làm điều này. Nếu họ vẫn thực hiện, họ sẽ bị kiện và chắc chắn sẽ thua”

Kế hoạch chương trình thẻ vàng của Tổng thống Trump

Trước những câu hỏi liên quan đến tương lai của chương trình thẻ vàng, người phát ngôn Bộ Thương mại – bà Kristen Eichamer cho biết:

“Bộ trưởng Lutnick quyết tâm hiện thực hóa tầm nhìn của Tổng thống Trump về chương trình Gold Card, nhằm mang lại nguồn thu chưa từng có cho nước Mỹ.”

Trong một buổi phỏng vấn hồi tháng 3 trên podcast All-In, ông Howard Lutnick chia sẻ rằng số tiền thu được từ việc bán thẻ Gold Card có thể giúp Mỹ trả khoản thâm hụt ngân sách hằng năm trị giá 1.300 tỷ USD, tương đương với khoảng 260.000 thẻ. Xa hơn, nếu có hơn 7 triệu người mua, Mỹ có thể xóa sạch khoản nợ quốc gia hơn 36.000 tỷ USD.

Trong một chia sẻ với Financial Times vào tháng 6, ông cũng cho biết đã có 70.000 người đăng ký tìm hiểu về thẻ Gold Card này.

Trong khi đó, Nhà Trắng và Bộ An ninh Nội địa (DHS) đều chưa có phản hồi nào.

Rào cản pháp lý khi thực hiện chương trình thẻ vàng

Ông George Fishman – chuyên gia pháp lý cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Di trú và từng là Phó cố vấn pháp lý tại DHS dưới chính quyền Trump nhấn mạnh:

“Tòa án Tối cao Mỹ đã khẳng định rằng Quốc hội có “quyền tối cao” trong lĩnh vực nhập cư, và nhiều lần nhấn mạnh Quốc hội có quyền cao hơn nhánh hành pháp trong việc xây dựng chính sách di trú.”

Điều này đã từng được thấy dưới thời Tổng thống Obama, khi chính quyền đã tìm cách hợp pháp hóa tình trạng cư trú cho những đứa trẻ được đưa vào Mỹ từ nhỏ, hoặc dưới thời Tổng thống Joe Biden khi Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas mở rộng chương trình tạm cư (Parole) mà không thông qua Quốc hội. Trong cả hai trường hợp, đảng Cộng hòa đều lên tiếng cho rằng nhánh hành pháp đã vượt quyền.

Còn với ông Trump và chính quyền của ông liên tục phóng đại khả năng thực hiện chương trình Gold Card theo luật hiện hành, mà không có bất kỳ động thái nào nhằm đề xuất luật mới.

“Rất khó để dung hòa quan điểm đó với việc cho phép chính quyền tự ý tạo ra một loại thẻ xanh mới” – Ông George Fishman nhận định.

Tuy nhiên, ông cũng nói rằng trong một phán quyết của Tòa án Tối cao vào năm 1950, tòa từng nhận định rằng:

“Khi Quốc hội đưa ra một quy trình về việc ai được phép nhập cảnh vào Mỹ, thì đó không chỉ đơn thuần là hành động lập pháp, mà còn là việc thực thi một quyền lực vốn có của cơ quan hành pháp”

Nhưng ông nhấn mạnh, phán quyết này cũng không cho phép hành pháp có thể tự hành động mà không cần sự phê duyệt của Quốc hội.

Trong phiên điều trần ngày 25/6 của Tiểu ban Tư pháp Hạ viện về chủ đề “Khôi phục tính minh bạch và an toàn trong quy trình cấp visa”, chương trình Gold Card hoàn toàn không được nhắc đến. Ông Nowrasteh cho rằng “Hiện tại gần như không ai trong Quốc hội có hứng thú xem xét đề xuất này”.

Không chỉ vậy, chuyên gia di trú – ông Hooper – người nghiên cứu các chương trình visa đầu tư trên toàn cầu cũng cho rằng, nếu khả thi thì đề xuất Gold Card của Mỹ sẽ là chương trình visa đắt đỏ nhất hiện nay.

Trong khi đó, những người giàu hoàn toàn có thể chọn các chương trình visa khác với chi phí thấp hơn rất nhiều so với mức mà ông Trump đưa ra. Ví dụ, Antigua và Barbuda chỉ yêu cầu đóng góp 230.000 USD vào quỹ phát triển quốc gia là có thể xin visa. Chưa kể, hiện cũng chưa rõ có bao nhiêu người thực sự muốn tham gia vào chương trình Gold Card của Mỹ.

Trong khi chương trình visa đầu tư EB-5 yêu cầu đầu tư từ 800.000 – 1.05 triệu USD và tạo ra ít nhất 10 việc làm chỉ cấp cho khoảng 10.000 người mỗi năm.

Lời khuyên của chuyên gia di trú dành cho bạn 

Giữa lúc còn nhiều tranh cãi pháp lý và vẫn còn rất nhiều dấu hỏi về việc chương trình Gold Card này có thực sự thành công được hay không. Các luật sư di trú thẳng thắn khuyên khách hàng nên cẩn trọng.

Luật sư di trú Ron Klasko tại Philadelphia chia sẻ với The Washington Post rằng ông đã khuyên các khách hàng đến từ Canada và châu Âu không nên tham gia chương trình, bởi vì ngay cả việc đăng ký vào danh sách chờ cũng chưa có ý nghĩa gì cho đến khi có thông tin rõ ràng. Ông cũng cảnh báo những người quan tâm cần tìm hiểu kỹ về chính sách thuế đối với người giàu nếu diện cư trú này thực sự được áp dụng.

Trong khi đó, luật sư di trú Rosanna Berardi tại Buffalo lưu ý rằng Nhà Trắng vẫn chưa làm rõ đây là một loại visa hoàn toàn mới hay sẽ thay thế cho visa đầu tư hiện tại.

Đến thời điểm hiện tại, chương trình Gold Card vẫn là một lời hứa lấp lánh, tính khả thi thì vẫn còn mơ hồ.

Nguồn tham khảo tại đây.